Phối hợp chặt chẽ
Lễ ký kết do Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông Nguyễn Văn Trung đồng chủ trì.
Theo đó, Cục Thủy sản và Cục Cảnh sát Giao thông sẽ phối hợp thực hiện 5 nội dung chính, gồm: Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tập huấn, bồi dưỡng. Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Riêng với nội dung trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, Cục Thủy sản cung cấp, trao đổi cho Cục Cảnh sát Giao thông những tài liệu, thông tin gồm:
Tình hình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội.
Ảnh 2: Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông Nguyễn Văn Trung đồng chủ trì buổi lễ
|
Thông tin về cảng cá, bến cá; đăng ký, đăng kiểm tàu cá; cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; danh mục các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cấm khai thác; khu vực cấm khai thác trong vùng nước nội thủy.
Thông tin về tổ chức, cá nhân vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên đường bộ, đường thủy.
Thông tin về tai nạn giao thông, tai nạn khác như cháy, nổ, lao động, do bất khả kháng...; cứu nạn, cứu hộ và tai nạn giao thông đường thủy có liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
Thông tin về vụ việc hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường có liên quan đến thuyền viên làm việc trên tàu cá và số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Thông tin, tài liệu khác khi Cục Cảnh sát giao thông đề nghị theo quy định của pháp luật.
Ảnh 3: Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân
|
Cục Cảnh sát Giao thông cung cấp, trao đổi cho Cục Thủy sản những tài liệu, thông tin gồm: Tình hình hoạt động của tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường có liên quan đến hoạt động thủy sản trên đường thủy; các vụ việc có liên quan đến thuyền viên, công chức, viên chức của lực lượng quản lý nhà nước về thủy sản do lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý.
Tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, vi phạm về khai thác thủy sản trái phép của tổ chức, cá nhân có phương tiện vận chuyển thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hoạt động trên đường bộ, đường thủy; vùng nước thuộc cảng, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền...
Tình hình tai nạn liên quan đến tàu cá và phương tiện khác hoạt động nghề cá, thông tin phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông….
Nguyên tắc phối hợp: Hoạt động phối hợp giữa hai lực lượng dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng lực lượng, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia và Quy chế này.
Ảnh 4: Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông
|
Hoạt động phối hợp phải bảo đảm chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, kịp thời của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Cục Thủy sản, Công an các địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương.
Tổ chức hoạt động phối hợp phải thống nhất theo kế hoạch đã được lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong công tác phối hợp, xử lý vụ việc thực hiện theo nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, vụ việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng nào thì lực lượng đó chủ trì xử lý, lực lượng còn lại hỗ trợ theo yêu cầu của đơn vị chủ trì...
Tăng cường thực thi pháp luật
Phát biểu tại Lễ ký kết, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, việc tăng cường công tác phối hợp giữa hai đơn vị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và vận chuyển sản phẩm thủy sản, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường bộ, đường thủy.
Ảnh 5: Lãnh đạo hai Cục tiến hành ký quy chế phối hợp
|
Ông Luân chia sẻ: “Ngành thủy sản Việt Nam có bề dày phát triển, có sự hội nhập rất lớn, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản của nước ta mỗi năm đạt 9,5 - 9,7 triệu tấn. Có rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nếu chỉ có riêng người của thủy sản thì rất khó, nhất là đối với các vấn đề như quản lý giống thủy sản; khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; sử dụng ngư cụ cấm và công cụ kích điện để khai thác thủy sản… Theo đó, rất cần có sự phối hợp với các đơn vị khác để tăng cường công tác thực thi pháp luật hơn nữa trong thời gian tới”.
“Mong rằng sau Lễ ký kết hôm nay giữa hai Cục, chúng ta sẽ tổ chức tuyên truyền hướng dẫn đưa ra những điểm ngắn gọn để cùng nhau phối hợp triển khai, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững. Cuối cùng vẫn là mong muốn đời sống của bà con được khấm khá hơn, sản xuất ổn định hơn, các vùng quê an ninh, an toàn, trật tự tốt hơn”, ông Luân nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông chia sẻ, trong những năm qua với sự thống nhất cao trong chỉ đạo của các cấp lãnh đạo hai lực lượng từ Trung ương đến cơ sở, theo đó công tác phối hợp đã đạt được những kết quả quan trọng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản trên đường thủy.
Hiện nay ngành thủy sản phát triển ngày càng mạnh mẽ, trong khi đó công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều phức tạp, đó là tỷ lệ không nhỏ tàu cá không đảm bảo, không đủ trang thiết bị an toàn vẫn ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Tình trạng dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản các lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh, nhưng chuyển biến rất chậm, có nơi, có lúc còn nghiêm trọng; trộm cắp ngư cụ, tài sản của ngư dân trên sông, biển vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp…
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, việc phối hợp chủ yếu vẫn là trên lĩnh vực đường thủy, tuy nhiên thực tiễn hiện nay, tổ chức, cá nhân vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản cả trên đường bộ. Do đó, đòi hỏi, công tác phối hợp giữa hai lực lượng cần phải được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với hiện tại.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung đề nghị, việc phối hợp giữa hai lực lượng phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng lực lượng, phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết.
Trong công tác phối hợp, xử lý vụ việc thực hiện theo nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, vụ việc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng nào thì lực lượng đó chủ trì xử lý, lực lượng còn lại hỗ trợ theo yêu cầu của đơn vị chủ trì.
Tổ chức hoạt động phải thống nhất theo kế hoạch đã được lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời, đúng mục đích, đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, chuyên môn của hai lực lượng, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định về công tác bảo mật của hai lực lượng.
“Phát huy kết quả đạt được trong công tác phối hợp của hai lực lượng, với tinh thần quyết tâm nỗ lực, đoàn kết, tôi tin rằng hai lực lượng sẽ hoàn thành thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ công tác phối hợp mà hai lực lượng đã đề ra”, ông Trung nhấn mạnh.
Hải Đăng